Truyện Kiều của Nguyễn Du và Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương: Từ tiếp cận đối thoại liên văn hóa

Phạm Hồng Tung

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Truyện Kiều của Nguyễn Du và Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương là những tác phẩm có giá trị đặc sắc trong di sản văn chương Việt Nam truyền thống. Vì vậy, các tác phẩm này đã được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài tiếp cận và nghiên cứu từ nhiều góc nhìn khác nhau. Từ góc nhìn của đối thoại liên văn hóa được đề xuất bởi Robert Redfield (1956) và bởi Vincent J.H. Houben (2021, 2024) tác giả của bài viết này cố gắng đưa lại những tiếp cận mới và những khám phá mới đối với các tác phẩm nói trên. Đối với Truyện Kiều, tác giả chỉ ra rằng các đối thoại liên văn hóa diễn ra trong tác phẩm thực chất chỉ là các đối thoại liên văn hóa theo chiều ngang của các tầng lớp trên trong xã hội hồi đó mà hoàn toàn không có sự tham gia của các tầng lớp dân chúng. Hơn nữa, các đối thoại liên văn hóa đó đã diễn ra trên các hệ quy chiếu của Nho giáo, Phật giáo và của niềm tin vào thiên lý. Khi đặt ba loại đối thoại đó trong một hệ hình kiểu topochrone thì sẽ nổi lên ba khái niệm, ba yếu tố hạt nhân: nhân (humanity), nghiệp (karma) và thân (destiny). Đó cũng chính là hệ tam vị nhất thể tối cao mầu nhiệm của Truyện Kiều. Đối với Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, tác giả lại cho rằng đó trước hết là đối thoại liên văn hóa giữa các “truyền thống lớn” và các “truyền thống nhỏ”, phản ánh sự xung đột của xã hội đương thời. Nhưng đó cũng là đối thoại liên văn hóa giữa giới tính Nữ và giới tính Nam trong bối cảnh một xã hội Nho giáo gia trưởng. Đó cũng là đối thoại của những người phụ nữ Việt Nam với chính thân phận của họ và với khát vọng giải phóng của chính họ.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

Hồ Xuân Hương (2024). Thơ Hồ Xuân Hương. Hà Nội: Kim Đồng.
Houben, Vincent J.H (2021). Histories of Scale: Java, The Indies and Asia in the Imperial Age, 18201945. Galda Verlag: Glienicke.
Houben, Vincent J.H. “Bài giảng chia tay”, https://ivides.vnu.edu.vn/news/ban-tin/baigiang-chia-tay-gs-ts-vincent-houben-ivides-ussh-ha-noi-2024-nghien-cuu-khu-vuc-trongthoi-dai-toan-cau-hoa-va-phi-toan-cau-hoa-nhin-lai-va-huong-toi-276.html.
Nguyễn Du (2023). Truyện Thúy Kiều. Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ hiệu khảo. Hà Nội: Văn học.
Nguyễn Du. “Độc Tiểu Thanh ký”. https://www.thivien.net.
Phạm Hồng Tung (2021). Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị. Hà Nội: Chính trị Quốc gia Sự thật.
Redfield, Robert R. (1956). Peasant society and culture: An anthropological approach to civilization. Chicago: University of Chicago Press.
Scott, James C. (1985). Weapons of the Weak: Everyday Forms of Peasant Resistance. New Haven: Yale University Press.